Liên kết WebSite

Tìm kiếm

Hỗ trợ trực tuyến

Tin tức hoạt động

 
"Dở nhất của nhà thầu Trung Quốc là thiết bị kém"
Quá nhiều nhà thầu Trung Quốc "nhảy vào", giá rẻ nhưng cái dở nhất lại là thiết bị công nghệ kém. Bộ Công Thương đang tổng hợp gấp vấn đề này, ông Tạ Văn Hường, vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương khẳng định.

Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương
Chủ đầu tư “nghiêng ngả” vì giá rẻ

PV: Thưa ông, cho đến nay, phía Bộ Công Thương đã có rà soát như thế nào về chất lượng các công trình do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm?

- Đây là một việc lớn! Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Vụ Kế hoạch chủ trì, tổng hợp và báo cáo gấp vấn đề này. Báo cáo này sẽ phải làm rõ hình hình hợp tác với các nhà thầu Trung Quốc ra sao, vì sao nhà thầu Trung Quốc lại vào quá nhiều dự án ở Việt Nam. Việc này liên quan ba vụ là Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ và Vụ Năng lượng. Khoảng 2-3 ngày tới, chúng tôi sẽ trình Bộ trưởng kết quả tổng hợp.

PV: Thưa ông, tại sao đến nay, Bộ Công Thương mới làm rà soát ?
- Đây là lần đầu tiên có một cuộc tổng hợp toàn bộ, chính thức về vấn đề liên quan đến nhà thầu Trung Quốc tại các dự án năng lượng, công nghiệp. Còn trên thực tế, trong nhiều cuộc họp trao đổi với nhau, chúng tôi đã nhắc chuyện này rồi. Tuy nhiên, vừa qua, báo chí đã xới lên vấn đề Trung Quốc trúng thầu quá nhiều ở Việt Nam nên Bộ trưởng đã có chỉ đạo như vậy.

PV : Vừa qua, Tập đoàn điện lực Đông Phương – Trung Quốc làm dự án nhiệt điện Hải Phòng 1, chậm tới hơn 20 tháng, chất lượng thiết bị kém. Thế mà, Tập đòan này vẫn trúng thầu dự án nhiệt điện Duyên Hải 1 trị giá 1,4 tỷ USD. Tại sao lại vẫn chấp nhận 1 nhà thầu như vậy ở dự án tiếp theo, thưa ông?

- Vẫn là chuyện giá. Vấn đề này nằm ở chỗ, tập đoàn Đông Phương đã chào thầu ở nhiệt điện Duyên Hải 1 mức giá cực kỳ hấp dẫn. Nó hấp dẫn tới mức, Chính phủ còn cho phép Tập đoàn này mở rộng thêm một dự án nữa để làm thầu là Duyên Hải 3. Mình thì lại đang cần giá điện thấp. Cho nên, trước việc đó, mình không thể không nghiêng ngả được.

Trong khi đó, tiêu chí chọn thầu của ta là ai giá rẻ nhất thì chọn. Luật của ta lại không cấm các đối tác như vậy tiếp tục tham gia đấu thầu ở các dự án khác.

Dở nhất là thiết bị kém
PV: Tuy nhiên, rõ ràng một điều, đúng lúc cả nước đang căng thẳng về điện vừa qua thì nhiều nhà máy điện do Trung Quốc làm, như Sơn Động, Cẩm Phả, Quảng Ninh, Hải Phòng đều trục trặc vận hành không ổn định. Ông có ý kiến gì về năng lực các nhà thầu này?

- Đó là bản chất của các nhà máy nhiệt điện than, thời gian đầu vận hành cần hiệu chỉnh nên nó trục trặc là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, mặc dù thời gian đầu tiên, nó có thể hoạt động chưa ổn định nhưng chỉ ở mức độ nào đó thôi, nhà máy cơ bản phải là vẫn vận hành được. Đó là vấn đề chất lượng công trình, xây dựng… Cái này, hỏi chủ đầu tư là nắm rõ nhất.

PV: Trong chuyện chậm tiến độ nhà máy như ở Hải Phòng, Quảng Ninh, ông  có đánh giá gì về việc nhà máy hỏng liên miên?

- Đó là câu chuyện muôn thuở của Việt Nam. Đó là việc ta chấp nhận tất cả máy móc, thiết bị công nghệ của Trung Quốc. Chúng ta đều biết rằng, cái ưu điểm của nhà thầu nước này là đưa ra giá cả rất hấp dẫn, rẻ, phù hợp với Việt Nam, nhưng cái dở nhất là chất lượng công nghệ, thiết bị không thể bằng các nước G7.
Còn làm việc với các nước phát triển, vấn đề đảm bảo chất lượng không chỉ nằm ở thiết bị công nghệ mà còn ở việc họ đảm bảo tiến độ như cam kết.

Chúng ta ở trạng thái phải chấp nhận 1 trong 2 cái đối nghịch lợi ích như vậy.

Đến giờ phút này, có thể nói, thiết bị Trung Quốc có dự án giá chào chỉ bằng 1 nửa giá chào của các nước phát triển. Không có lý do gì mà ta không xem xét nghiêm túc vấn đề đó. Vì thế cho nên, có hậu quả là, ở những dự án đó, còn trục trặc này, trục trặc kia.

PV: Thưa ông, tuy giá rẻ nhưng chất lượng thiết bị của Trung Quốc lại không tốt bằng G7, tại sao chúng ta vẫn chấp nhận họ làm thầu?

- Trên thực tế, việc này ràng buộc ở luật đấu thầu. Luật không cho phép chúng ta khống chế ở xuất xứ thiết bị trong lúc xét thầu, mà chỉ cho phép ra điều kiện về hiệu quả chất lượng công trình. Cho nên, khi dự thầu, tất cả các nhà thầu gửi hồ sơ, đều cam kết về tiến độ, chất lượng cả. Vì thế, ta chẳng có lý do gì không chấp nhận hồ sơ dự thầu của các nhà thầu Trung Quốc. Và khi chấp nhận như vậy, cái ta được lớn nhất là giá cả đầu tư rẻ hơn.
90% nhà máy nhiệt điện than đều là do Trung Quốc làm. Còn một số loại thiết bị, công nghệ như tua bin khí hỗn hợp ở Nhiệt điện Ô Môn chẳng hạn, thì Trung Quốc chưa đáp ứng được nên chưa vào được. Công nghệ thiết bị này thì chúng ta dùng của Nhật Bản và G7.

PV: Nhưng tiết kiệm chi phí đầu tư mà khi thiếu điện, kéo dài tiến độ nhà máy thì hệ quả lãng phí và thiệt hại cho xã hội. Ông có đánh giá thế nào về việc này?

- Tất cả sự chậm trễ đó đều tình bằng tiền cả. Khi quyết định đầu tư, người ta chỉ có thể đưa vào hợp đồng thôi, về nguyên tắc chậm thì phạt bao nhiêu, không để chủ đầu tư bị thiệt hại.

Nhưng trên thực tế, nhiều lý do, chủ đầu tư cũng không thể đấu tranh để phạt nhà thầu được. Vì nhiều trường hợp, lỗi cũng do phía chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng, cung cấp kinh phí không kịp… Vì thế,  cần có sự tranh luận trao đổi để xem, trách nhiệm cuối cùng là thuộc bên nào, bao nhiêu?

PV: Thưa ông, chậm tiến độ gây hệ quả lớn gia tăng thêm áp lực thiếu điện. Vậy trên thực tế, chúng ta có hình thức xử lý thế nào với nhà thầu?

- Trách nhiệm ấy nằm trong hợp đồng EPC giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Thông thường, họ đều có điều khoản qui định rõ, như chậm 1 ngày, chậm 1 tháng là bằng bao nhiêu tiền. Hai bên cũng có cam kết rõ ràng về thiệt hại nếu thiếu hụt 1MW so với mức công suất mà nhà thầu cam kết làm. Khi chậm tiến độ, hai bên phải đàm phán với nhau. Chỉ có điều, phải tính như thế nào, bao nhiêu % giá trị hợp đồng thì hai bên phải tính, chủ đầu tư bị chậm hợp đồng phải lo là chính. Đến lúc đó, không ai trốn tránh trách nhiệm được.

Về nguyên tắc, chủ đầu tư sẽ không bị thiệt hại nếu thực hiện đúng hợp đồng. Giả dụ, nếu hợp đồng qui định trách nhiệm rõ ràng, nếu thiếu 1MW là có thể phạt 10 lần, thì không nhà thầu nào dám chậm tiến độ, thiếu hụt MW cả.
 
PV: Thưa ông, chúng ta có giải  pháp nào để cải thiện được việc giá rẻ mà chất lượng kém trong các công trình điện?

- Thực ra, đối với chúng tôi, nhiều lần đã muốn góp ý cho luật đầu thầu rồi. Nếu đưa được thêm yếu tố xuất xứ thiết bị vào, có lẽ hợp lý hơn. Để cho có thể tăng độ tin cậy của các dự án, chấp nhận thiết bị công nghệ các nước phát triển. Chứ như bây giờ, gần như công trình điện nào, nhà thầu Trung Quốc cũng tham gia, đều chào giá rất hấp dẫn, các nhà thầu khác khó có thể cạnh tranh nổi.

Theo Diễn đàn S500 (VietNamNet)

Các tin khác :

Đào tạo chuyên đề “Phân tích đặc tính của máy phát nhiệt điện và vận hành ổn định với hệ thống”(25/04/2024 10:33:05 SA)

Khai giảng khóa đào tạo chuyên đề “Nguyên lý, cài đặt cấu hình, hiệu chuẩn và thí nghiệm hệ thống Điều tốc thủy lực” cho CBCNV trong Tổng Công ty phát điện 1 (Genco 1) tại Công ty Thủy điện Bản Vẽ(31/10/2023 4:04:29 CH)

Đào tạo chuyên đề “Kiểm tra, đánh giá hệ thống đồng bộ và rơle bảo vệ kỹ thuật số” cho CBCNV trong Tổng Công ty phát điện 1 (Genco 1) tại Công ty Thủy điện Đồng Nai(31/10/2023 2:24:00 CH)

PTC4 tổ chức Khóa đào tạo “Các nguyên lý bảo vệ 67, 87L, 21 và cách phối hợp rơle trong bảo vệ hệ thống điện”(10/05/2023 3:04:58 CH)

Nhiều kiến thức bổ ích từ lớp đào tạo “thí nghiệm điện cao áp các thiết bị trong nhà máy điện”(10/05/2023 3:01:18 CH)

Những kiến thức nâng cao về lập trình PLC, HMI (S7-1200) được truyền đạt trong khóa đào tạo về Kỹ thuật điện tại Nhà máy thủy điện Trung Sơn.(10/05/2023 2:58:19 CH)

TSHPCo tổ chức khóa đào tạo chuyên đề “Chuyển đổi số trong Nhà máy Thủy điện Trung Sơn”(10/05/2023 2:49:55 CH)

Khai giảng khóa đào tạo chuyển giao công nghệ (17/07/2013 11:13:37 SA)

Vai trò của chăm sóc khách hàng và độ tin cậy của sản phẩm, dịch vụ (11/01/2011 5:12:09 CH)

Hỗn hợp Marketing - Công cụ hữu hiệu để tác động vào thị trường (11/01/2011 5:11:46 CH)

VIDEO

CBT - Tua bin nước CBT - Tua bin nước